Nếu bạn có từng xây nhà hay tham gia vào xây dựng các công trình thì chắc hẳn đã nghe thấy khái niệm “mác thép”. Nhiều người quan niệm mác thép thể hiện độ cứng của thép. Nhưng có phải chỉ vậy không? Hãy cùng đi tìm hiểu “mác thép là gì?” nhé.
Mác thép là gì?
Đây là một từ ngữ chuyên ngành xây dựng, phản ánh cường độ chịu lực của thép hay còn gọi là khả năng chịu áp lực lớn hay nhỏ của toàn bộ thanh thép.
Mác thép thường được gọi tên căn cứ vào các tiêu chuẩn sản xuất ra thép, trong đó có các tiêu chuẩn chủ yếu như:
- Tiêu chuẩn quốc tế: Nhật: JIS G3112 và JIS G3112 – 2004; Mỹ: ASTM A615/A615M – 04b; Anh: BS 449 – 1997
- Tiêu chuẩn trong nước: TCVN 1651-1985 và TCVN 1651-2008
Trong đó thì áp dụng tiêu chuẩn TCVN thì mác thép hay bắt đầu bằng 2 chữ CB, áp dụng tiêu chuẩn JIS thì mác thép có chữ SD còn tiêu chuẩn ASTM lại dùng chữ cái G.
Có những loại mác thép nào?
Nếu là lần đầu bạn tìm hiểu về các loại mác thép, có lẽ sẽ hơi loạn, vì có quá nhiều loại khác nhau, có thể mác gần giống nhau mà lại khác biệt lớn về thông số kỹ thuật. Vậy nên nếu chưa quen thì bạn nên sử dụng bảng tra cứu mác thép, hoặc nhớ các loại mác thép chính hay sử dụng.
Mác thép chia theo cách sử dụng:
- Mác thép để xây: SD295, SD390, C2, C3, G60, CB 300,400,500
- Mác thép dựng kết cấu: SS400, Q235, Q345B. Thường được ký hiệu là CCT34, CCT38 trong các bản vẽ thiết kế
Mác thép chia theo chữ cái viết tắt ở đầu:
- SD: các loại thép sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật sẽ bắt đầu bằng 2 chữ cái này. Con số đằng sau thể hiện cường độ chịu lực của thép (tương đương giới hạn chảy). Ví dụ: thép ký hiệu SD390 thì có độ chịu lực là 390N/mm2.
- CB: thép theo tiêu chuẩn Việt Nam, chữ CB là viết tắt của cụm từ “cấp độ bền”. Còn con số đằng sau tương tự phía trên, tức là cũng thể hiện mức độ chịu lực của thanh thép, với đơn vị là N/mm2.
Mác thép chia theo tiêu chuẩn TCVN 1765 – 75:
- Nhóm A (thường viết dưới dạng CTxx-a): đây là nhóm thép đạt tiêu chuẩn đảm bảo tính chất cơ học thông thường. Con số xx phía sau thể hiện lực cùng một tác động lực, còn chữ cái nhỏ phía sau là mức khử oxy. Ví dụ: 3 mác thép CT38, CT38n, CT38s cùng chịu được áp lực 380MPa tại 3 mức khử oxy lần lượt là lặng, bán lặng và sôi.
- Nhóm B (viết tắt BCTxx): nhóm thép này lại đảm bảo thành phần hóa học đã định trước, có thể tra cứu từng mác thép theo sổ tay. Bạn hay gặp các mác thép thuộc dòng này như BCT31, BCT34, BCT42…
- Nhóm C (viết tắt CCTxx): đây lại là tổng hòa của cả 2 loại trên, tức là đảm bảo cả cơ học và thành phần hóa học. Hay thấy các mác thép như CCT34, CCT38, CCT42, CCT52
Mác chia theo tiêu chuẩn Việt Nam khác:
Ngoài ra, còn một vài tiêu chuẩn khác cũng của Việt Nam quy định ký hiệu mác thép bằng chữ khác:
- TCVN 1766-75 (ký hiệu Cxx): trong đó xx thể hiện kết cấu cacbon dùng để chế tạo máy. Ví dụ: mác thép C40 là %C khoảng 0,40%. Thép C40A chất lượng cao hơn nữa
- TCVN 1822-76 (ký hiệu CDxx): ý nghĩa C là viết tắt của cacbon, D là viết tắt của dụng cụ. Đây là loại thép dùng để sản xuất các dụng cụ như bulong, ốc vít, đai thép…
Ứng dụng mác thép để chọn thép phù hợp cho công trình
Thông thường, việc chọn mác thép để áp dụng xây lắp cho công trình là do kinh nghiệm, do thói quen, và hay được gợi ý như sau:
- Với công trình có số tầng ít hơn 7: chỉ cần dùng mác thép có cường độ thấp khoảng SD295, CB300 là đủ. Độ chịu lực của 2 mác thép này giống nhau, có thể hoàn thành công trình của bạn mà vẫn đảm bảo an toàn xây dựng và độ bền vững với thời gian.
- Với công trình cao hơn 7 tầng: lúc này thì mác thép cao chắc chắn lên sử dụng, tối thiểu là thép CB400 hay SD390. Công trình cao hơn nữa thì nên sử dụng thép mác càng cao như CB500 hoặc SD490.
Tuy nhiên, như đã nói việc sử dụng mác thép nào dựa vào cảm tính là phần nhiều, bạn cũng có thể lựa chọn theo nhà sản xuất. Và sau đây là hướng dẫn chọn mác thép theo thương hiệu.
Mác thép theo thương hiệu
Thép Hòa Phát
Mác thép Hòa Phát thường được dập nổi trên thanh thép theo thứ tự:
- Logo công ty: là biểu tượng 3 mũi tên ^ hướng lên trên dập nổi
- Tên công ty: “Hoa Phat” không dấu
- Đường kính: là số hiệu sau ký hiệu D, đơn vị mm
- Ký hiệu mác thép: thường bằng số lượng dấu chấm “.”
Mác thép | Ký hiệu | Mác thép | Ký hiệu |
SD295A | không ký hiệu | SD390 | .. |
SD345 | . | SD490 | … |
Gr40 | S | Gr60 | S4 |
Những mác thép khác không nhắc đến trong bảng trên thì hay ghi trực tiếp trên thanh thép.
Thép Việt Nhật
Trên thanh thép Việt Nhật chính hãng sẽ có các ký hiệu sau được dập nổi:
- Hình ảnh chữ thập cách điệu: logo của thép Việt Nhật
- CBx: mác thép của thanh thép loại CB300 là CB3, CB400 là CB4, CB500 là CBS
- dxx: đường kính thanh thép, tính theo đơn vị mm
- Một vài mác thép có ký hiệu riêng:
Mác thép | Ký hiệu | Mác thép | Ký hiệu |
SD295A | không ký hiệu, chỉ gồm logo chữ thập và số chỉ đường kính đặt cách nhau 3 vạch | SD390 | .. |
G40 | Chỉ có logo và đường kính đặt sát nhau | SD490 | … |
G60 | Thứ tự: logo – 4 – số chỉ đường kính | SD390 xuất xứ Campuchia |
Một mặt: Chỉ có logo Mặt còn lại: 16 / SD/ 390 |
Thép Miền Nam
Thép miền Nam cũng có những ký hiệu riêng mà bạn nên biết:
- Thép cuộn: trên dây thép có in chữ nổi VNSTEEL
- Thép thanh vằn: in logo V – tên mác thép – đường kính thép đều bằng chữ dập nổi
- Thép góc: in chìm logo V bên ngoài mặt thép
- Đánh dấu mác thép bằng màu sắc ở đầu thanh thép: CB300 màu xanh lá đậm, CB400 màu cam, SD295A màu xanh dương, SD390 màu xanh lá, SD490 màu xanh da trời, Gr60 màu xám…
Vậy là bạn đã hiểu được mác thép là gì? và biết cách đọc được chúng trong xây dựng. Hãy thử đọc mác thép ngay tại nơi bạn đang thi công xem nào.